Sức sống mới từ nghề truyền thống xã Hùng Lô

PTO- Mang đặc trưng văn hóa truyền thống cư dân đồng bằng Bắc Bộ, từ lâu xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì) đã nổi danh với nghề làm mỳ, bún. Kinh nghiệm được tích lũy, trao truyền qua nhiều thế hệ đã giúp sản phẩm làng nghề có chất lượng vượt trội, được đông đảo người tiêu dùng ưa thích, khẳng định uy tín trên thị trường. Dăm năm trước, làng có 200 nóc nhà thì tới 130 hộ làm nghề cho sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 15.000 tấn mỳ, bún. Làng nghề truyền thống được công nhận, đời sống của người dân Hùng Lô ngày càng được ổn định, nâng cao. Tuy nhiên, do đất chật, thiếu sân phơi phục vụ sản xuất trong khi lượng người làm nghề kết hợp chăn nuôi ngày càng tăng đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sống, vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo khiến đầu ra cho sản phẩm dần bị thu hẹp, thu nhập do đó cũng bấp bênh. “Thương hiệu” mỳ, bún làng cổ Hùng Lô giảm dần, nhiều gia đình gắn bó với nghề qua bao thế hệ giờ cũng chán nản tìm phương kế khác mưu sinh. Nhắc lại chuyện này, anh Cao Đăng Duy – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất mỳ, bún sạch Hùng Lô trầm giọng: “Gắn bó với nghề truyền thống của cha ông, năm 2004, khi làng nghề được công nhận, tôi vui lắm. Đây là cơ hội, động lực cho nghề làm mỳ, bún vốn nổi tiếng của Hùng Lô phát triển, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Nhưng chỉ được vài năm, sản phẩm làng nghề ngày càng kém sức cạnh tranh trên thị trường. Người làm nghề, nhất là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ khó khăn, chật vật. Nhiều nhà đã phải bỏ nghề…”.

Làng nghề đoàn Kết xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Ảnh: Việt Thắng

Nặng lòng với nghề truyền thống, anh Duy thấy mình như có lỗi với thế hệ trước khi chứng kiến làng nghề “thoái trào”. Quyết tâm mở hướng, tạo sức mạnh mới vực dậy sức sống làng nghề, anh đã cất công tìm đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và xác định làng nghề chỉ có thể phát triển khi người dân sống được, làm giàu từ nghề. Muốn vậy, sản phẩm phải có chất lượng, xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường. Hướng đi khả quan nhất là huy động, tập hợp những người tâm huyết, có khả năng, điều kiện tạo nên nguồn lực, phát huy sức mạnh tập thể tạo diện mạo mới cho nghề mỳ, bún Hùng Lô. Nghĩ là làm, anh Duy đã bỏ công sức tự mày mò học hỏi, chủ động vay vốn mở rộng sản xuất, tích cực tìm kiếm và khai thác thị trường; đồng thời vận động các hộ sản xuất lân cận thành lập Hợp tác xã sản xuất mỳ, bún sạch. Tháng 7 năm 2016, Hợp tác xã sản xuất mỳ, bún sạch Hùng Lô chính thức được thành lập do anh Duy làm Giám đốc, quyền thương hiệu cho sản phẩm mỳ, bún sạch của làng cũng được đăng ký.Hợp tác xã hiện có 9 thành viên là các hộ sản xuất mỳ, bún sạch trong xã. Trong đó có 7 thành viên tham gia trực tiếp sản xuất, gia đình Giám đốc Cao Đăng Duy là hộ có quy mô sản xuất lớn nhất với sản lượng 5- 6 tạ/ ngày. Hoạt động sản xuất mỳ, bún được duy trì ổn định và từng bước phát triển. Bình quân mỗi gia đình sản xuất từ 2,5 đến 3 tạ, tăng 2-3 lần so với trước. Mỗi ngày, Hợp tác xã sản xuất khoảng 24 đến 25 tạ mỳ, bún cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Trừ chi phí sản xuất và tiền thuê nhân công, mỗi tháng các hộ thành viên của Hợp tác xã thu về từ 7- 8 triệu đồng tiền lãi.

Đặc biệt quan tâm đến chất lượng, gìn giữ thương hiệu sản phẩm, các công đoạn sản xuất của thành viên HTX đều đảm bảo nghiêm ngặt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Xuất bán ra thị trường, sản phẩm có bao bì, logo đóng gói riêng, tăng độ tin cậy cũng như thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. Uy tín được tạo dựng từ chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, mỳ, bún sạch của HTX không những có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong tỉnh mà đã vươn tới các tỉnh, thành lân cận như: Yên Bái, Bắc Ninh, Hà Nội,… HTX đã phát huy hiệu quả vai trò tổ chức sản xuất đồng bộ, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, đồng thời đứng ra bao tiêu 50% sản phẩm làm ra của thành viên, tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mới đây, HTX đã nhận được đơn hàng của một công ty chuyên xuất khẩu mỳ, bún sạch sang thị trường châu Âu, đây là dấu hiệu đáng mừng thể hiện thương hiệu mỳ, bún sạch của HTX đã và đang được ghi nhận, tin tưởng.

Những chuyển biến tích cực từ hoạt động sản xuất mỳ, bún sạch Hùng Lô thời gian gần đây đã khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả tích cực từ mô hình kinh tế tập thể trên cơ sở thích ứng, phù hợp với điều kiện thực tế. Và như vậy, nghề truyền thống của người dân Hùng Lô sẽ tiếp tục gắn bó, giúp người dân nơi đây xây dựng cuộc sống mới phồn thịnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese